Tháng Một 4, 2024
Người Dao đỏ ở cao nguyên đá
Bài: Winlinh,
Ảnh: Sơn Tùng
Quản Bạ là một huyện miền núi thuộc tỉnh Hà Giang, nằm trong phạm vi cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là nơi quy tụ nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Dao chiếm số lượng đông đảo nhất. Người Dao đỏ – một nhánh của tộc người Dao ở Quản Bạ có phong tục, tập quán, tín ngưỡng và văn hóa rất đặc trưng, góp phần làm nên bản sắc độc đáo của cao nguyên đá xám.
Tới thăm mảnh đất Quản Bạ núi non trùng điệp, du khách sẽ gặp những người Dao đỏ chân chất trong các phiên chợ nhộn nhịp sắc màu, trên những thửa ruộng bậc thang hay dưới mái nhà lợp ngói âm dương cổ kính. Họ dường như hài lòng với cuộc sống giản đơn, chăm chỉ làm lụng và “sống chậm” giữa núi rừng bình yên. Người Dao đỏ sinh sống ở nhiều vùng miền nhưng sinh hoạt cộng đồng vẫn mang tính khép kín trong một phạm vi địa lý nào đó. Họ duy trì giao tiếp bằng ngôn ngữ Dao và luôn ý thức phải truyền lại ngôn ngữ ấy cho các thế hệ sau. Khi dựng vợ, gả chồng cho con, người Dao cũng muốn chọn gia đình thông gia trong cộng đồng để giữ được ngôn ngữ và phong tục tập quán. Công việc quen thuộc của người Dao đỏ chủ yếu là làm nương rẫy để trồng lúa ngô, chăn nuôi, làm trang sức bạc, dệt vải, thêu thùa, trồng cây thuốc, cây bông, làm nông cụ và se hương… Bà con Dao đỏ cùng các dân tộc anh em quanh vùng thường tham gia các buổi chợ phiên Tráng Kìm, Quản Bạ để trao đổi, bán mua và giao lưu văn hóa. Những ngày có phiên chợ, người Dao đỏ gùi nông sản trên lưng, đôi khi tay còn dắt cả vật nuôi. Đặc biệt, họ diện những bộ trang phục thổ cẩm sặc sỡ. Tà váy rung rinh theo nhịp bước chân của các bà, các chị nhìn rất cuốn hút.
Người Dao đỏ luôn duy trì được bản sắc truyền thống đậm nét qua chính trang phục truyền thống của họ. Những người mẹ, người bà truyền dạy cho con, cháu gái mình kỹ thuật dệt vải, thêu thùa từ bé nên phụ nữ Dao đỏ nào cũng sẽ tự may được cho mình, cho gia đình những bộ trang phục đẹp. Quần áo của đàn ông Dao khá đơn giản, màu tối, khi trời lạnh, họ thường đội mũ nồi và cổ quàng những chiếc khăn nhiều màu sắc. Trong khi đó, trang phục của người phụ nữ Dao đỏ lại rất cầu kỳ. Họ chú trọng nhấn nhá và trang trí cầu kỳ ở các đường nẹp áo, gấu quần, hai bên ống tay, ngực áo và thắt lưng. Các đường thêu chủ yếu là những hoa văn hình cây cỏ, hoa lá. Các bà, các cô thường mặc áo quần màu đen bên trong, bên ngoài xếp các lớp trang trí cầu kỳ gồm các dải vải buông dài quanh thân váy thêu họa tiết rực rỡ. Bên cạnh các mảng thêu hoa văn trên ngực, họ còn gắn các dây hạt cườm nhiều màu sắc điệu đà nơi eo. Người Dao đỏ chuộng trang sức bạc nên trong các dịp quan trọng, họ thường đeo rất nhiều bạc lên cổ và quanh hông. Về mũ đội đầu, phụ nữ Dao đỏ nơi đây thường sử dụng một chiếc mấn tròn màu đen cài cùng một chiếc khăn thổ cẩm với hai đuôi khăn chĩa thẳng lên cao. Phía sau lưng, họ quàng một chiếc khăn tua rua màu hồng hoặc pha trộn thêm các màu sắc khác, tạo điểm nhấn trong một tổng thể hài hòa và điệu đà.
Người Dao đỏ có nhiều lễ và ngày hội đặc sắc như lễ cấp sắc, lễ nhảy lửa, lễ ma khô, ngày kiêng sấm sét, ngày kiêng hổ hay ngày hội bắt cá… Đặc biệt, đối với người Dao nói chung và người Dao đỏ nói riêng, lễ cấp sắc là một trong những nghi lễ quan trọng bậc nhất. Họ quan niệm người đàn ông trưởng thành, có quyền tham gia vào công việc của làng và lúc chết được về với tổ tiên nếu được cấp sắc khi đến tuổi. Lễ cấp sắc dành cho con trai từ 10 tuổi trở lên, gồm rất nhiều nghi thức do thầy cúng phụ trách. Sau phần lễ là phần hội của các gia đình có người được cấp sắc cũng như của cả bản làng.
Nơi núi rừng nguyên sơ bốn mùa đều đặn đi qua, người Dao đỏ vẫn tiếp nối mạch sống đặc trưng, đậm đà hơi thở nguồn cội. Ai đó vừa rời Quản Bạ về xuôi, cứ bồi hồi nhớ mãi những dáng váy rộn rã sắc màu, hệt như những vạt hoa xinh đang thấp thoáng trên nền đá xám trầm hùng.
Bài viết gốc: https://heritagevietnamairlines.com/nguoi-dao-do-o-cao-nguyen-da/?fbclid=IwAR28q0wdvCjI1rV2Mue2Lg6ll2kiv5NN2GGTC_CR9kg-7GS9GWvn9bMDIh4