Tháng Một 4, 2024

Nghi lễ cưới hỏi của người Dao Thanh Y

Bài: Hương Quỳnh,
Ảnh: Sơn Tùng

Tộc người Dao Thanh Y là một nhánh của dân tộc Dao, cư trú ở các vùng núi phía Bắc và có nhiều nét văn hóa cộng đồng độc đáo. Đình Lập là huyện duy nhất ở tỉnh Lạng Sơn có dân tộc Dao Thanh Y sinh sống. Từ bao đời nay, bà con tộc người này sống hiền hòa nơi núi rừng, luôn ý thức gìn giữ truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

Chiếc mũ đặc trưng của người Dao

Theo chân nhiếp ảnh gia Sơn Tùng, người đã từng dự nhiều nghi lễ của các dân tộc thiểu số ở Lạng Sơn, Hà Giang… chúng tôi được tìm hiểu về tục cưới hỏi của người Dao Thanh Y ở huyện Đình Lập. Từ đầu bản, những vị cao niên đã đón chúng tôi niềm nở. Ấn tượng nhất là họ mặc trang phục dân tộc rất đẹp, sặc sỡ. Họ kể rằng trước khi lễ cưới chính thức được tổ chức cho đôi trẻ Lý Trang và Văn Nam, gia đình cô dâu, chú rể đã tổ chức tuần tự nhiều nghi lễ trước đó là lễ dạm ngõ, lễ hỏi… Cô dâu Lý Trang xúng xính trong bộ trang phục truyền thống được bà, mẹ truyền dạy cho cách may, thêu và trang trí. Nhìn từ xa, cô dâu e thẹn không khác gì đóa lan rừng chớm nở. Cũng như trang phục của các nhánh người Dao khác, người Dao Thanh Y biết cách làm họ nổi bật giữa núi rừng với màu sắc quần áo, mũ, khăn được điểm tô bằng các loại chỉ ngũ sắc thông qua các hình thêu, các chi tiết tua rua gắn vào khăn, mũ đội đầu. Người Dao Thanh Y không thêu thùa quá nhiều các họa tiết thổ cẩm mà họ kết hợp thêu đường viền, kết cườm, tua rua với màu sắc chủ đạo là đỏ, tím hồng. Trang sức bạc đi kèm trang phục lễ nghi còn có vòng cổ, vòng tay, xà tích… Trang phục của chú rể Văn Nam giản dị hơn với quần áo cách tân thời nay màu đen, đầu đội mũ cối nhưng vẫn có người cầm thêm ô đen đi cùng phía sau. Đáng chú ý nhất là các chuỗi tua rua dài từ trên đầu, cổ, vai đến đầu gối được tạo từ hạt cườm và chỉ ngũ sắc đính trên người cả cô dâu và chú rể.

Trang phục của cô dâu được làm từ nhiều sợi chỉ ngũ sắc

Giờ phút quan trọng nhất trong nghi lễ đám cưới là màn đón dâu. Lúc này, cô dâu và chú rể đều được che kín mặt bằng chiếc khăn vuông. Trên khăn vuông của cô dâu, thân mẫu có thêu các chữ nói về vẻ đẹp của tân nương. Đoàn nhà trai mang lễ vật đến ngõ nhà cô dâu thì đứng đợi bên ngoài, các mẹ các chị bên nhà gái cầm sợi dây đỏ chắn ngang và bắt đầu ca hát những làn điệu nói về ngày vui của đôi trẻ. Ở phía trong nhà cô dâu, ông mối và thầy mo tiến hành lễ cúng báo cáo tổ tiên để xin cho đôi trẻ được hạnh phúc, bền chặt. Sau nghi lễ này, đoàn nhà trai được mời vào, chú rể được ông mối và thầy cúng đưa vào làm lễ trong nhà cô dâu rồi sau đó được đưa lại gần cô dâu. Lúc này, đôi trẻ mới được bỏ khăn che mặt, chạm mắt nhau. Đây là giây phút lãng mạn và ngọt ngào nhất lễ cưới. Cô dâu má ửng đỏ thẹn thùng theo chú rể chào quan khách hai họ rồi chào bố mẹ để về nhà chồng.

Cô dâu và chú rể phải bước qua dải dây lưng có ý nghĩa ngăn chặn những điều xấu

Ở ngưỡng cửa nhà trai, cô dâu và chú rể phải bước qua bát lửa và dải dây lưng được chăng ngang với niềm tin rằng mọi điều xấu đã được ngăn lại. Sau khi bước vào nhà, thầy cúng tiến hành nghi lễ quan trọng nhất là lễ kết duyên cho cô dâu, chú rể. Thời khắc này đánh dấu đôi trẻ chính thức nên duyên vợ chồng. Màn múa hát, chúc rượu, ăn tiệc giữa hai họ là những hoạt động vui vẻ nhất để kết thúc nghi lễ cưới hỏi.

Đối với người Dao Thanh Y, ngày vui này không chỉ là dấu ấn của đôi lứa mới nên duyên vợ chồng mà còn là dịp sinh hoạt cộng đồng quan trọng, thể hiện sự thương yêu, gắn kết, tôn ti trật tự trong mỗi dòng họ, gia đình.

Nguồn: https://heritagevietnamairlines.com/