Du khách đến Mẫu Sơn sẽ được trải nghiệm cuộc sống nhiều sắc màu của người Dao, từ cách ăn, nếp ở cho tới trang phục, nghi lễ truyền thống.
Mẫu Sơn có 3 dân tộc cùng sinh sống là Dao, Tày, Nùng, trong đó dân tộc Dao chiếm trên 98% dân số. Từ xưa đến nay, người Dao ở xã Mẫu Sơn, một xã vùng III biên giới, luôn giữ được bản sắc văn hóa.
Bộ ảnh “Nếp sống người Dao ở Mẫu Sơn” do nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng (TP Lạng Sơn), thực hiện. Anh thường được bạn bè gọi là Tùng “Dao” bởi ghi dấu ấn qua các câu chuyện ảnh về chân dung, trang phục và nếp sống truyền thống của dân tộc Dao
Người Dao ăn hai bữa chính trong ngày là buổi sáng trước khi đi làm và buổi tối, còn bữa trưa thường ăn ở trên nương. Lương thực chính là gạo tẻ và nếp, với từng loại có những cách thức và dụng cụ chế biến khác nhau.
Họ dùng cối xay, cối giã đạp chân để chế biến hạt thóc thành gạo; dùng cối đá để xay xát ngô. Gạo nấu thành cơm hay nấu cháo tuỳ từng người, từng gia đình; ngô được xay vỡ thành hạt nhỏ rồi đem nấu thành cơm, cháo hoặc làm bánh.
Đặc biệt với thịt, họ còn có món thịt treo ướp muối độc đáo, món này ăn kèm với lá sau sau non lạ miệng và không bị ngấy.
Người Dao thu hoạch ngô xong là phơi trên gác bếp, giữ khô, tránh mối mọt, ngô ám khói bếp ngả màu và có vị rất đặc trưng.
Trang phục phụ nữ Dao là áo dài bốn thân bổ tà trước ngực. Bên trong áo có yếm thêu hoa văn, gắn các ngôi sao bằng bạc, trang trí bằng hạt cườm kèm thắt lưng màu trắng thêu hoa văn đen hình cành cây. Bên hông đeo dây xà tích bằng bạc.
Phụ nữ Dao rất nhiều màu sắc. Quần áo và khăn được thêu bằng chỉ màu, sử dụng họa tiết hình chim, cây thông… Một bộ quần áo như vậy phải thêu tay hàng tháng trời tới cả năm mới xong.
“Việc sử dụng trang phục truyền thống hàng ngày vẫn có tần suất cao nhưng chủ yếu là người cao tuổi. Điều đáng lo ngại là các nghệ nhân biết thêu, dệt và may trang phục truyền thống ít dần, trong khi nguyên liệu để thêu, dệt cũng ngày càng khan hiếm”, anh Tùng chia sẻ.
Đàn ông Dao ặm đơn giản hơn. Áo màu đen đính các tua chỉ ngũ sắc để trang trí. Quần ống rộng buộc néo bằng sợi dây gai có đồng xu để giữ. Đầu đội khăn xếp hoặc đơn giản hơn thì buộc một chiếc khăn.
Xưa kia trai gái người Dao thường được dựng vợ gả chồng trước tuổi hai mươi. Nay việc kết hôn đã được thực hiện đúng độ tuổi mà Luật hôn nhân quy định như các dân tộc khác. Một đám cưới gồm lễ dạm hỏi (nải nham), lễ trao lộc mệnh (giấy ghi ngày, tháng, năm sinh của đôi trai gái để so tuổi), lễ thoả thuận cam kết và lễ cưới. Khi nhắc đến tục cưới gả, không thể không nói đến hát giao duyên và tiếng kèn Pí lè đón dâu.
Ngày cưới, ai cũng được mặc trang phục truyền thống. Nhà trai sang đón dâu từ tinh mơ, còn cô dâu chuẩn bị đồ đạc để về nhà chồng. Khi khởi hành, cô dâu mặc trang phục dân tộc, đến gần cổng nhà trai, đoàn nhà gái sẽ dừng lại để thay đồ cho cô dâu.
Ngày cưới còn là ngày tụ họp của các chàng trai, cô gái tạo nên một khung cảnh rất đặc sắc và náo nhiệt.
Một trong những loại nhạc cụ truyền thống của người Dao là kèn Pí Lè (tiếng Tày, Nùng gọi là Pí lè, tiếng Dao gọi là Nom dặt). Kèn được người Dao sử dụng vào những dịp như lễ cúng thần lúa, thần rừng, cưới hỏi, lễ Tết. Tiếng kèn như lời tâm tình của lòng người với trời đất, với núi rừng, lời tâm sự của những đôi trai gái tìm duyên, lời của con cái với cha mẹ.
Kèn gồm 3 phần: đầu thổi, thân kèn và loa kèn, có thể thổi được 72 giai điệu khác nhau, như trong lễ cưới thì giai điệu vui tươi, rộn rã; còn đám tang thì nỉ non, buồn tẻ. Người thổi lấy hơi đằng mũi, đẩy hơi ra miệng thông qua đầu thổi tác động vào những lỗ nhỏ trên thân kèn. Khi biểu diễn, trong mỗi nghi lễ khác nhau, người thổi kèn áp dụng các kỹ thuật rung hơi, vuốt hơi, phối hợp với các ngón tay bấm, vuốt trên thân kèn để tạo ra những âm thanh bay bổng phù hợp.
Thờ tổ tiên là một phong tục quan trọng của các gia đình người Dao. Họ thờ cúng tổ tiên ngược lên chín đời, nhưng trực tiếp là ba đời, gồm cha mẹ, ông bà, cụ. Việc thờ cúng tổ tiên còn thể hiện qua nhiều nghi lễ như tang ma, tảo mộ, cúng rằm tháng 7, cúng Tết Nguyên Đán hay cúng dâng cơm mới.
Người Dao vốn là dân cư làm nương rẫy và làm ruộng nên các lễ cúng phong phú, như lễ cúng vào ngày tra lúa nương đầu tiên. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng, cầu mong Thần Nông phù hộ cho mùa màng tươi tốt. Lễ cơm mới làm sau vụ thu hoạch để tạ ơn tổ tiên, để Thần nông phù hộ cho mùa màng bội thu.
Trong nghi thức tang ma, người Dao quan niệm, đám ma khô (ảnh) là lễ cúng để thả hồn người chết về với tổ tiên, cội nguồn, mong linh hồn người đã mất được siêu thoát, về yên nghỉ với tổ tiên. Lễ ma khô được làm tại nhà, sau khi người nhà chôn cất được một tháng.
Huỳnh Phương
NSNA Nguyễn Sơn Tùng
Bài viết gốc: https://vnexpress.net/nep-song-nguoi-dao-o-mau-son-4170062.html