Tháng ba 4, 2023
Dành trọn đam mê với dân tộc Dao
Chỉ vì ánh mắt bị cuốn theo bộ váy áo sặc sỡ của người Dao trong một lần du lịch lên núi Mẫu Sơn mà anh Sơn Tùng đã “phải lòng” nhiếp ảnh. Từ đó đến nay, đã hơn 5 năm kể từ lần gặp phụ nữ Dao ấy, nhiếp ảnh gia Sơn Tùng đã dành trọn tâm huyết để tìm hiểu về dân tộc Dao cũng như ghi lại những hình ảnh về văn hóa, tập tục của một trong những dân tộc thiểu số giàu bản sắc ở Việt Nam.
Tại sao anh lại chọn dân tộc Dao làm chủ thể nghiên cứu và sáng tác nhiếp ảnh trong những năm qua?
Tôi gắn bó với Lạng Sơn và vùng núi cao này là ngôi nhà chung của nhiều dân tộc thiểu số như Dao, Tày, Nùng… Trong đó, dân tộc Dao có nhiều nét văn hóa độc đáo và nổi bật. Cùng với lịch sử thiên di hàng nghìn năm và tín ngưỡng Đạo giáo, tộc người Dao bị chia nhỏ thành rất nhiều nhóm phân bố ở nhiều địa phương. Người Dao ở Việt Nam, nếu xét theo phương ngữ có 2 nhóm là Mùn và Miền, hai nhóm Dao này cơ bản không giao tiếp được với nhau bằng ngôn ngữ thường nhật, tập tục, nghi lễ trong đời sống cũng có nhiều điểm khác biệt. Trong từng phương ngữ lại có nhiều nhóm nhỏ như: phương ngữ Miền có các nhóm Dao đỏ, Dao tiền, Dao quần chẹt, Dao lô gang, Dao lù đạng…; phương ngữ Mùn có các nhóm: Dao thanh y, Dao quần trắng, Dao áo dài, Dao đầu bằng… Mỗi nhóm Dao đều có các đặc trưng văn hóa riêng, dễ nhận diện, phân biệt qua hệ thống trang phục.
Mặc dù chịu tác động rất lớn của quá trình giao thoa văn hóa, nhưng người Dao vẫn giữ được bản sắc, từ quan hệ thứ bậc trong anh em, họ hàng đến các phong tục, tập quán, tín ngưỡng… Dân tộc Dao còn là tộc người nổi trội nhất về nghề thuốc và đa dạng nhất về trang phục truyền thống. Thống kê chưa đầy đủ, ở Việt Nam hiện nay, người Dao có hơn 25 loại hình trang phục truyền thống. Một kỷ lục về trang phục tộc người, xứng đáng đưa vào kỷ lục Guinness trong tương lai.
Trong những nét văn hóa mà anh vừa kể, anh ấn tượng với điều gì nhất?
Phạm vi văn hóa của người Dao sâu rộng nên để nói về ấn tượng của tôi có nhiều lắm, đó là lễ Cấp sắc, lễ cưới truyền thống, nghi lễ đám ma… Đặc biệt nhất phải kể đến trang phục của phụ nữ Dao. Đó chính là những tác phẩm nghệ thuật rực rỡ, tinh tế, truyền tải quan niệm về vũ trụ, nhân sinh thông qua các hoa văn, họa tiết thêu, in trên đó. Mỗi nhóm Dao đều có trang phục riêng, được thêu dệt rất cầu kỳ. Những người mẹ, người bà Dao thường dạy cho con gái mình biết thêu thùa từ bé. Các thiếu nữ Dao phải tự mình làm ra bộ trang phục đẹp nhất để mặc trong ngày cưới, mùa lễ hội…
Cùng với sự phát triển của xã hội, anh có thấy rằng văn hóa truyền thống của các tộc người thiểu số nói chung và người Dao nói riêng đang đứng trước nguy cơ bị mai một?
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự du nhập của các nền văn hóa bên ngoài tác động không nhỏ đến ý thức của các tộc người thiểu số, ảnh hưởng đến việc gìn giữ và duy trì bản sắc. Ví dụ như lớp trẻ không muốn mặc trang phục của dân tộc mình do tâm lý e ngại. Trong một số đám cưới, cô dâu, chú rể không còn mặc trang phục cổ truyền mà thay vào đó là váy, áo quần theo phong cách hiện đại. Các lễ hội truyền thống chủ yếu do đàn ông và người lớn tuổi tham gia; những làn điệu dân ca, dân vũ, hát giao duyên dần bị quên lãng và được thay thế bằng những ca khúc nhạc trẻ… Chính vì thế, tôi mong rằng cộng đồng hãy chung tay bảo vệ những giá trị văn hóa của các tộc người thiểu số. Bằng cách rất đơn giản, chúng ta hãy chia sẻ những bài viết, hình ảnh đẹp về họ, phương tiện nhanh nhất là thông qua các nền tảng mạng xã hội, truyền hình, báo, tạp chí. Heritage cũng chính là kênh truyền thông hữu hiệu khi tôi thường xuyên thấy bài viết sâu sắc, hình ảnh đẹp, truyền tải những thông điệp văn hóa các dân tộc tới cộng đồng. Tôi đã rất tự hào khi được góp một phần nhỏ bé quảng bá văn hóa của người Dao trên Tạp chí Heritage qua bài viết “Biểu tượng nghệ thuật của người Dao” vào năm 2022.
Cảm ơn anh và hy vọng Tạp chí Heritage sẽ có thêm nhiều dịp cộng tác cùng anh!
Bài: QUỲNH TRANG
Ảnh: SƠN TÙNG
Nguồn bài viết: https://heritagevietnamairlines.com/danh-tron-dam-me-voi-dan-toc-dao/